Tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Bài cuối: Tăng thảo luận, giải trình

- Thứ Năm, 16/06/2022, 05:57 - Chia sẻ

Để nâng cao hiệu quả các hoạt động, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 nhấn mạnh yêu cầu: Thường trực HĐND chú trọng phối hợp trong chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng chất lượng nội dung, chương trình kỳ họp; giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận. Kết hợp hiệu quả giám sát qua báo cáo với khảo sát thực tế, tăng tính giải trình, làm rõ những vấn đề phức tạp, bất cập được cử tri và Nhân dân quan tâm…

Chưa phát hiện được sai phạm qua giám sát

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 cũng thẳng thắn chỉ ra: Việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội để đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng còn hạn chế. Hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận, kiến nghị, kết luận sau giám sát còn ít; một số nơi còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường và trong việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng chưa phát hiện được sai phạm qua giám sát của HĐND

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực tế hồ Ảng Cang, huyện Mường Ảng với tiềm năng du lịch sinh thái - ẢNH NGUYỄN HIỀN
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực tế hồ Ảng Cang, huyện Mường Ảng với tiềm năng du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyễn Hiền

Nguyên nhân được xác định do 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh, thành phố có sự thay đổi lớn, nhiều đại biểu HĐND cấp tỉnh tham gia lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động nên đôi khi còn lúng túng, bị động, chất lượng tham gia thảo luận góp ý chưa cao. Đa số thành viên các Ban của HĐND cấp tỉnh mới nên kinh nghiệm hoạt động HĐND chưa nhiều; đa số ủy viên các Ban của HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, việc bố trí, sắp xếp thời gian nghiên cứu, tham gia hoạt động của ban chưa được đầy đủ…

Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND, Thường trực, các ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND theo quy định một số nơi còn hạn chế. Vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, nhạy bén của Đảng đoàn HĐND, Thường trực, các Ban HĐND ở một số nơi còn hạn chế, chưa phát huy trí tuệ tập thể đóng góp vào hoạt động của HĐND.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: HĐND cần chủ động tham mưu với cấp ủy kiện toàn các chức danh còn khuyết thiếu theo quy định; thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026 - 2031. Bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu hoạt động, trong đó, quan tâm thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động của HĐND. Tăng cường thông tin tuyên truyền hoạt động của HĐND tạo sự chia sẻ, hiểu biết, giám sát của cử tri đối với hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND.

Chú trọng phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng chất lượng nội dung, chương trình kỳ họp. Phát huy vai trò của chủ tọa trong điều hành kỳ họp, phiên họp, bảo đảm linh hoạt, mềm dẻo, khoa học, hợp lý, giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận, phát huy tối đa trí tuệ tập thể để giải quyết những vấn đề trọng tâm của kỳ họp.

Quan tâm kết hợp hiệu quả giám sát báo cáo với khảo sát thực tế, tăng tính giải trình, làm rõ những vấn đề phức tạp, bất cập được cử tri và Nhân dân quan tâm. Nhất là giám sát chặt việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, phối hợp chặt đổi mới nội dung, cách thức tổ chức hoạt động TXCT; nâng cao chất lượng tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, góp phần hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, lên Trung ương, kéo dài có thể trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành Đề án, Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức Hội nghị HĐND theo khu vực (vùng hoặc theo khối tỉnh, khối thành phố) trên cơ sở đặc thù riêng từng khối...

THÁI AN